Vincom Mega Mall Royal City đón Lễ hội mùa đông Fuyu Matsuri

Fuyu Matsuri (Lễ hội Mùa Đông) – một nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản sẽ có mặt tại Quảng trường Vincom Mega Mall Royal City ngay cuối tuần này với rất nhiều hoạt động đặc sắc dành cho giới trẻ.

Lễ hội Mùa đông ~ Fuyu Matsuri bắt nguồn từ sự kiện lễ hội thường thấy tại các vùng quê đất nước Nhật Bản với những hoạt động vui chơi và giao lưu bè bạn. Độc đáo hơn khi Lễ hội mùa đông Fuyu Matsuri được đặt tên theo năm 2013 đánh dấu việc kết thúc của mùa cuối cùng trong năm 2013 (tính theo lịch của Nhật).

Đặc biệt hơn, với lần sinh nhật thứ 2 của mình, Fuyu Matsuri sẽ được tổ chức tại cả 2 thành phố lớn là Hồ Chí Minh (15-16/2) và Hà Nội (22-23/2), hứa hẹn sẽ đem lại cho khách tham quan thật nhiều trải nghiệm thú vị về văn hoá của đất nước Mặt Trời Mọc.



Fuyu Matsuri tại Hà Nội được tổ chức tại Quảng trường Vincom Mega Mall Royal City (72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), từ 9:00 - 18:00 ngày Thứ Bảy và Chủ nhật (22 - 23/2/2014), mô phỏng một đất nước Nhật Bản thu nhỏ với các nét văn hoá độc đáo:

>> Văn hoá búp bê Nhật Bản

Búp bê Hina là một loại búp bê đặc biệt rất xinh đẹp và là biểu tượng cho vua và hoàng hậu cùng những cận thần. Búp bê Hina là những vật trang trọng, được truyền từ đời này sang đời khác qua nhiều thế hệ. Chúng được trưng bày trong căn phòng đẹp nhất của gia đình một vài ngày trong kỳ lễ hội và sau đó được cất giữ cẩn thận trong hộp cho đến kỳ lễ hội của năm sau. Một bộ búp bê Hina gồm có ít nhất 15 con trong trang phục truyền thống.

>> Maneki Neko và văn hoá tín ngưỡng

Maneki Neko - “ Chú mèo vẫy tay” hay còn gọi là “Mèo may mắn”, “Mèo đại phúc”, “Mèo mời khách” là một bức tượng rất phổ biến ở Nhật Bản. Thường được làm bằng gốm hoặc sứ, nó tạc hình một chú mèo đuôi ngắn đang giơ “tay” lên nhìn giống như đang vẫy chào hay vẫy gọi mọi người. Maneki Neko được coi là biểu tượng của may mắn, đem đến vận may cho gia đình và những cửa hàng đặt bức tượng ở cửa ra vào. Niềm tin này được cho là bắt nguồn từ một điển tích xưa của người Trung Quốc : “ Khi mèo đưa chân lên dụi mắt thì khách sẽ tới nhà”.

>> Kimono và nét đẹp truyền thống

Kimono là loại y phục truyền thống của Nhật Bản. Riêng kimono dành cho nữ giới có màu sắc rất phong phú. Kimono không đơn thuần là trang phục truyền thống mà còn được xem là một tác phẩm nghệ thuật.

Người Nhật đã sử dụng kimono trong vài trăm năm. Ngày nay, kimono thường chỉ được sử dụng vào các dịp lễ tết. Phụ nữ Nhật mặc kimono phổ biến hơn nam giới, thường có màu và hoa văn nổi bật. Phái nam dùng kimono chủ yếu trong lễ cưới và buổi lễ trà đạo, và kimono dành cho nam giới thường không có hoa văn, và màu tối hơn.

>> Thời trang Lolita và xu hướng hiện đại tại Nhật Bản

Lolita là một trong những nhóm văn hóa thời trang phổ biến nhất tại Nhật hiện nay, và đang bắt đầu lan rộng ra nhiều nước trên thế giới. Phong cách Lolita dựa trên nền tảng trang phục của thời đại Victoria (Anh), tương đương với thời đại Rococo thế kỷ 18 ở Pháp. Đó là những chiếc váy dài đến đầu gối mặc cùng vớ cao; những chiếc đầm phồng như bánh cupcake được độn nhiều lớp vải bên trong; ren, áo corset , giày cưỡi ngựa, dù và những chiếc nón vải cột ngang đầu của những cô hầu phòng là những phụ kiện không thể thiếu để làm nên phong cách Lolita

>> Trò chơi dân gian cổ truyền Nhật Bản, nét đẹp không phai theo thời gian

Những trò chơi như vớt cá vàng (kingyo sukui), thảy cầu (kendama), tách hình kẹo (katanuki), vật sumo bằng gỗ (taiko sumo), đánh đổ lật đật (daruma)… là những trò chơi được yêu thích và luôn được duy trì tại các lễ hội Nhật Bản.

>> Văn hoá biểu diễn & Cosplay

Với các loại hình biểu diễn truyền thống như Yosakoi, múa Bon, kabuki các loại hình biểu diễn hiện đại như Cosplay, vẽ áo Kimono cũng sẽ gây ấn tượng mạnh đối với khách tham quan. Cosplay là các hoạt động, các trò chơi phỏng lại theo các nhân vật của truyện tranh, phim giả tưởng, game (manga, anime, tokusatsu, video game, visual game...), đặc biệt là các hoạt động của Cosplay trong lĩnh vực thời trang, phỏng theo trang phục và tính cách của các nhân vật trong truyện tranh, phim giả tưởng, và game.

>> Văn hoá mua sắm đường phố, thân thiện và hào phóng

Đặc trưng của phố mua sắm ở Nhật Bản là mỗi cửa tiệm kinh doanh một mặt hàng độc lập, nhiều cửa tiệm kết hợp lại với nhau tạo nên sự đa dạng về chủng loại hàng hoá. Phố mua sắm là nơi đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết trong cuộc sống hàng ngày của khách hàng, từ rau dưa, hoa quả đến thức ăn chế biến sẵn và cả quần áo, giày dép.

>> Omikuji – văn hoá tín ngưỡng đầu năm của người Nhật

Omikuji, được hiểu là một loại thẻ xăm, quẻ bói phán đoán vận mệnh. Với các quốc gia phương Đông thì hình thức tới đền, chùa xin thẻ xăm cầu mong điều tốt lành đã trở thành một phong tục phổ biến. Tại chùa sẽ thấy có một nơi là Omikuji-tokoro (nơi rút lá số) và có hộp để khách tham quan bỏ tiền vào, thường là đồng xu 100 yên. Cạnh đó là một chiếc tủ rất nhiều ngăn kéo để khách tham quan rút lá số của mình. Họ có thể chọn số của ngăn kéo.